nghề chăn những con robot lặn biển ROV tại Việt Nam

Mục lục [ Ẩn ]

Trong các công trình ngầm Dầu khí, có những công trình ở độ sâu hơn 100m tính từ mặt nước biển. Để khảo sát, bảo dưỡng cũng như sửa chữa những công trình này thì phương pháp người lặn gặp nhiều hạn chế, cho dù đó là những người thợ lặn giỏi nhất. Khi đó, những con robot lặn biển ROV (Remotely operated vehicle -  thiết bị được vận hành từ xa) sẽ là sự thay thế hoàn hảo…

Công nghệ robot lặn biển 

Tại vùng biển Việt Nam, từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm là mùa thời tiết tốt nhất để làm việc ngoài khơi, đặc biệt là khảo sát. Các đơn vị dầu khí đều tập trung công việc khảo sát vào khoảng thời gian này nên đội vận hành ROV của PTSC G&S phải hoạt động hết công suất, thậm chí phải thuê thêm người bên ngoài. Hôm tôi đến, tất cả 3 thiết bị ROV của PTSC G&S đều chuẩn bị sẵn sàng ra khơi, trong đó có thiết bị vừa cập cảng sau hành trình dài 15 ngày để khảo sát công trình cho Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC). Thế nhưng, không một ai tỏ ra mệt mỏi hay căng thẳng, tất cả đều làm việc trong không khí khẩn trương, háo hức.

robot lặn biển

Khác với hình dung ban đầu của tôi về robot lặn biển, ROV không giống như những con robot có cấu tạo mắt, mũi, tay, chân và thân hình như con người mà ta thường thấy trên phim ảnh, tivi. ROV đơn giản chỉ là một bộ máy được thiết kế đặc biệt để làm việc dưới nước, trên đó có gắn những chân vịt, camera và có hai cánh tay. Phần thân của ROV được thiết kế bằng hợp kim nhôm đặc biệt, nhẹ, bền trong môi trường biển. Chân vịt giúp ROV có thể thoải mái di chuyển theo tất cả các hướng; cánh tay của ROV dài hơn 1m, có thể làm các công việc thông qua việc lắp đặt các dụng cụ chuyên dụng như hàn, cắt, cầm, nắm vào đó; và tùy theo yêu cầu của mỗi công việc khác nhau thì sẽ có những công cụ khác nhau.

Do khảo sát dưới môi trường nước, mà cụ thể ở đây là các công trình ngầm trong ngành Dầu khí nên có thể nói các camera là bộ phận quan trọng nhất của ROV. Thường thì mỗi ROV có khoảng 3, 4 camera phía trước, 1 camera phía sau. Thông qua các camera này, những hình ảnh dữ liệu trong quá trình khảo sát được dưới biển sẽ được truyền lên cabin điều khiển trên tàu. Những dữ liệu này sẽ được các kỹ sư trong nhóm vận hành ROV lưu lại và phân tích, đánh giá. Từ đó, đưa ra kết luận về tình trạng của công trình vừa khảo sát.

Robot lặn biển ROV sẽ thay con người là những thứ khó nhất 

Trong các công trình ngầm Dầu khí, có những công trình dưới độ sâu hơn 100m tính từ mặt nước biển. Đó là chân đế giàn khoan, là những đường ống dẫn dầu, dẫn khí… Để khảo sát, bảo dưỡng cũng như sửa chữa những công trình này thì phương án người thợ lặn sẽ gặp nhiều hạn chế, cho dù đó là những người thợ lặn giỏi nhất. Thợ lặn thông thường chỉ có thể lặn sâu khoảng 50m và thời gian làm việc rất ngắn, chỉ trong vòng 20 phút là phải trồi lên qua một quá trình đặc biệt là quá trình giảm áp tại các trạm giảm áp. Còn ROV thì có thể làm việc dưới biển từ ngày này sang ngày khác nếu như không xảy ra trục trặc gì và chỉ cần kéo lên để thêm dầu do hao hụt trong quá trình làm việc là xong. Đây là điều mà một con người bằng xương bằng thịt không thể nào làm được. Nhất là công việc khảo sát chân đế giàn khoan ở những vùng biển sâu, diện tích khảo sát trật hẹp, thời gian khảo sát cần khá dài.

Đó là chưa kể những công trình nguy hiểm, như khảo sát đường ống bị rò rỉ khí chẳng hạn; nói chung, với những công trình ngầm phức tạp, có tính rủi ro, nguy hiểm cao thì ROV sẽ thay thế con người thực hiện một cách hoàn hảo nhất! 

robot lặn biển

Vậy cụ thể thì ROV có thể làm được những việc gì dưới biển? Anh Lê Thiện Khang cho biết, tất cả những công việc từ khảo sát, cho đến đóng mở van, lắp đặt, sửa chữa đường ống, chân đế giàn khoan… ROV đều làm được. Với những việc yêu cầu quá tỉ mỉ như vặn ốc thì ROV cũng làm được, tuy nhiên thời gian sẽ lâu hơn so với người làm. Yêu cầu của khách hàng làm gì thì ROV sẽ được lắp đặt công cụ tương ứng để thực hiện việc đó.

Chẳng hạn như ROV của PTSC G&S từng làm công việc khảo sát và khắc phục nguy cơ đường ống bị võng theo yêu cầu của các khách hàng BIEN DONG POC, Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC)… Khi đó, ROV được thả xuống biển, tiến đến vị trí đường ống võng, dùng cánh tay kéo các bao xi măng rỗng đặt đúng vị trí cần khắc phục. Sau đó người trên cabin sẽ cho bơm một loại xi măng đặc biệt vào những bao này. Tất cả công việc này đều được thực hiện thông qua cánh tay rất linh hoạt của robot lặn biển.

Nhưng như đã nói, ưu thế nổi bật nhất của ROV là khảo sát, khảo sát độ ăn mòn, rò nước đường ống, chân đế giàn khoan… để từ đó đánh giá tình trạng của các công trình ngầm này hư hỏng chỗ nào, tuổi thọ ra sao và rồi căn cứ vào đó mà đưa ra những biện pháp tương ứng để khắc phục. “Công việc khảo sát phức tạp nhất của ROV có lẽ là khảo sát chân đế giàn khoan. Với mỗi chân đế, ROV phải khảo sát tỉ mỉ bên ngoài, sau đó phải chui vào bên trong để khảo sát từng thanh ống chân đế. Đây là môi trường chật hẹp, khó di chuyển và rất dễ xảy ra sự cố với ROV” - anh Khang nói.

Với thời đại công nghệ 4.0  các chú robot được đưa vào áp dụng thực tế để phục vụ cho những thứ con người không thể làm được.