Ngành robotics và trí tuệ nhân tạo có điểm sàn tăng đột biến

Mục lục [ Ẩn ]

Điểm sàn đại học năm nay tăng ở tất cả các ngành, trong đó một số trường điểm sàn tăng đột biến so với dự kiến. Ngành có điểm sàn cao nhất là 24 điểm, thấp nhất 12 điểm.

Hôm qua 22-7, theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường đại học (ĐH) trên cả nước đều phải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) xét tuyển đại học chính quy năm 2019. 

Nhìn chung, điểm sàn tăng ở tất cả các ngành, trong đó một số trường điểm sàn tăng đột biến so với dự kiến.

Điểm sàn (còn gọi là mức điểm để đảm bảo chất lượng đầu vào) là điểm thấp nhất mà thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào một ngành, trường nào đó. Đây là cơ sở để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Ngành robotics và trí tuệ nhân tạo có điểm sàn cao nhất

Tính đến nay, ngành robotics và trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có điểm sàn cao nhất cả nước với 24 điểm. Điểm sàn vào các trường quân đội dao động, tùy trường và đối tượng tuyển sinh (nam, nữ), trong đó cao nhất thuộc về Học viện Hậu cần, dành cho nữ với mức 23 điểm.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã quyết định điểm sàn cho nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề từ 18-21. Cụ thể ngành y khoa, răng-hàm-mặt 21 điểm; y học cổ truyền, dược 20 điểm; điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng 18 điểm.

Nhìn chung ở nhóm ngành này, hầu hết các trường đều áp mức sàn của bộ với điểm cao nhất là 21. Tuy nhiên, một số trường còn đưa ra mức sàn cao hơn quy định của bộ ở một số ngành, như Trường ĐH Y Hà Nội có ba ngành khác cùng mức 21 điểm này là y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, y học dự phòng.

Trường ĐH Y dược TP.HCM xác định mức sàn cao nhất là 21 điểm đối với ba ngành y khoa, dược học và răng-hàm-mặt. Như vậy, ngành dược học của trường này có điểm sàn cao hơn mức chung của bộ 1 điểm.

Nhiều ngành tăng đột biến so với dự kiến

Nhiều trường công bố chính thức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 với mức điểm cao hơn so với dự kiến. Trước đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố dự kiến điểm sàn với hai mức 18 điểm (chương trình đại trà) và 17 điểm (chương trình chất lượng cao), nhưng điểm sàn mới nhất đã tăng đột biến.

Trong đó ngoài ngành robotics và trí tuệ nhân tạo 24 điểm, các ngành ôtô, công nghệ thông tin 21 điểm (đại trà), 20 điểm (chất lượng cao). Các ngành sư phạm tiếng Anh, cơ khí, cơ điện tử, điện-điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, logistics, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật hóa học 20 điểm (đại trà), 19 điểm (chất lượng cao).

Nhiều ngành khác cũng có mức điểm đại trà là 19; chất lượng cao tiếng Việt 18 điểm, chất lượng cao tiếng Anh 17,5 điểm...

Điểm sàn các ngành Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều tăng so với năm 2018, dao động 18-21 điểm. Trong đó 3 ngành có điểm sàn cao nhất là 21 (cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT 3 điểm) gồm sư phạm toán, sư phạm hóa và sư phạm tiếng Anh.

Điểm sàn Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM từ 20,5 trở lên. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, điểm cao nhất là 19 có các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, marketing, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Anh và luật.

Mức điểm tối thiểu là 17 các ngành/chuyên ngành: toán kinh tế, thống kê kinh tế, hệ thống thông tin quản lý, kỹ thuật phần mềm, quản lý công, chuyên ngành quản trị bệnh viện.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có điểm sàn 15,5, áp dụng cho tất cả các ngành, các tổ hợp môn xét tuyển (tăng 0,5 điểm). Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có điểm sàn với hai mức 14 và 17 điểm. Mức điểm sàn của trường năm nay cao hơn năm ngoái (năm 2018, hầu hết các ngành của trường có điểm sàn 14 và một số ngành là 16).

Đối với các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn chung điểm sàn có tăng nhưng không nhiều. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có điểm sàn dao động 16,5 - 19,5 (tùy ngành).

Tất cả các ngành "hot" của trường nhiều năm gần đây luôn có điểm cao như ngành ngôn ngữ Anh, quan hệ quốc tế, tâm lý học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, báo chí, quản trị du lịch và lữ hành. Trường ĐH Công nghệ thông tin có điểm sàn 17 cho tất cả ngành và các tổ hợp xét tuyển (tăng 2 điểm so với năm 2018).

Trường ĐH Khoa học tự nhiên điểm sàn 16-19 (tùy ngành). Mức điểm này một số ngành không tăng, nhưng nhiều ngành tăng 1 điểm so với năm ngoái (16-18 điểm). Trường ĐH Kinh tế - luật điểm sàn là 19 (cao hơn năm ngoái 2 điểm). Còn Trường ĐH Bách khoa điểm sàn chung là 18 (tăng 1 điểm so với năm 2018).

Các phân hiệu có điểm sàn thấp nhất

Trường ĐH Nội vụ Hà Nội đã công bố điểm sàn dao động 12-17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành học tại cơ sở TP.HCM theo điểm thi THPT quốc gia năm nay là 15-18. Trong đó các ngành như thú y, quản trị kinh doanh, công nghệ sinh học, nông học, công nghệ kỹ thuật hóa học, bảo vệ thực vật, công nghệ thực phẩm có điểm sàn cao nhất.

Riêng các ngành đào tạo tại hai phân hiệu của trường ở Gia Lai và Ninh Thuận có điểm sàn chỉ từ 13. Phân hiệu Kon Tum (ĐH Đà Nẵng) lấy điểm xét tuyển là 12,5 tất cả các ngành (trừ các ngành sư phạm). Trong khi phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị các ngành đều có điểm sàn 13, riêng ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 15 điểm.

ĐH Huế có điểm sàn của các khối kinh tế, du lịch, ngoại ngữ đều tăng 0,25-2 điểm so với năm ngoái. Các ngành thuộc khoa du lịch tăng mạnh với mức điểm 16, ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống có mức điểm 17.

Trường ĐH Cần Thơ có điểm sàn dao động 14-18. Các ngành sư phạm có điểm sàn cao nhất là 18. Nhóm ngành kinh tế, luật đa số có điểm sàn 16. Trong khi đó, các ngành kỹ thuật, công nghệ có điểm sàn 14-15.

Nguồn từ báo tuổi trẻ