Chiến lược xây dựng và duy trì các câu lạc bộ STEM

Mục lục [ Ẩn ]

Bài viết này chúng tôi xin được đề cập đến chiến lược giúp các thầy cô xây dựng và duy trì câu lạc bộ STEM như thế nào cho hiệu quả?

1

I. Vai trò

Để cho ngọn lửa đam mê của học sinh luôn luôn được nuôi dưỡng và hun đúc, một trong những giải pháp hiệu quả là cho học sinh tham gia vào các câu lạc bộ, nơi mọi người đều có cùng chung sở thích và các kinh nghiệm thực tế, được truyền đạt cho nhau một cách sinh động và gần gũi. Các nghiên cứu giáo dục gần đây cũng cho thấy các câu lạc bộ sinh hoạt tại nhà trường hoặc cộng đồng giúp góp phần hiệu quả và cải thiện chất lượng giáo dục, đặc biệt là các nhóm kỹ năng thực hành.
Chúng tôi xin lấy một ví dụ ở tại Mỹ, các trường học đều có các câu lạc bộ STEM, và thông thường có một giáo viên phụ trách, phối hợp cùng với hội phụ huynh của trường (Parents-Teachers Association – PTA) trong việc tổ chức và duy trì hoạt động. Các câu lạc bộ này thường sinh hoạt sau giờ học chính khóa. Ngoài các câu lạc bộ tại trường, tại cộng đồng dân cư cũng có các câu lạc bộ tự phát, có thể gắn kết với một tổ chức nào đó (chẳng hạn như thư viện, nhà sách, khu triển lãm, xưởng chế tạo,…) nhưng cũng có những câu lạc bộ ra đời xuất phát từ đam mê của một cá nhân mong muốn chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế về sở thích của các nhóm học sinh, cũng như muốn tạo sân chơi cho các em, các trường học tại Mỹ phối hợp với hội phụ huynh thành lập nhiều với các tên gọi khác nhau như: Adventure Club, Robotics Club, Science Explorers, Pi Club, Future Sciencetist Club, makerspace....

Vậy muốn tạo ra các sân chơi cho các em chúng ta phải trải qua các bước xây dựng và duy trì như nào. Dưới đây là 8 bước cơ bản để xây dựng một câu lạc bộ STEM.

2

II. 8 bước cơ bản để xây dựng một câu lạc bộ STEM

1. Xây dựng tầm nhìn và những cam kết

Trước khi bắt đầu xây dựng câu lạc bộ, các giáo viên cần xây dựng tầm nhìn chung về các hoạt động giáo dục STEM ngoại khóa xuất phát từ nhu cầu của địa phương cũng như mục tiêu hướng đến trong tương lai. Những câu hỏi cần trả lời như:

Chúng ta mong muốn câu lạc bộ giúp được gì cho học sinh, cho trường học và cho cộng đồng?

Chúng ta đã có được gì và mong muốn phát triển thêm điều gì nữa trong tương lai?

Bên cạnh đó, những cam kết của nhà trường, của giáo viên cũng cần được soạn thảo ra bằng văn bản một cách rõ ràng, để cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức và hỗ trợ nhau thực hiện mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ.

2. Xây dựng cấu trúc tổ chức hoạt động

Sau khi có được tầm và những cam kết mang tính chiến lược, việc tiếp theo là cần phác thảo một cơ cấu, kế hoạch hoạt động. Trong đó cần làm rõ các yêu tố về đội ngũ nhân sự, nội dung chương trình, thời gian và địa điểm, cách thức liên lạc và truyền tải thông tin.
Ngoài ra, trong các hoạt động cần phối hợp với các tổ chức khác trong phạm vi của trường học hoặc của địa phương để có thể tận dụng tiềm năng, thế mạnh của các thành phần cùng tham gia.

3. Chuẩn bị công tác hậu cần

Sau khi xây dựng được cơ cấu tổ chức hoạt động, việc làm tiếp theo là cần tìm các nguồn lực để thực hiện các ý tưởng ban đầu. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn kinh phí để mua sắm các nguyên vật liệu học tập, trả thù lao cho các giáo viên và cộng tác viên. Thông thường, nguồn quỹ đến từ ngân sách của nhà trường, của địa phương, của hội viên. Nhưng để có nguồn quỹ dồi dào rất cần có những nguồn quỹ khác từ các đề tài nghiên cứu, các quỹ hỗ trợ cộng đồng, các quỹ đầu tư và phát triển xã hội, các đóng góp từ phụ huynh và các mạnh thường quân…

Để xin được các quỹ, các câu lạc bộ cần viết 1 đề cương chi tiết, thể hiện nhu cầu cần thiết và tính khả thi của hoạt động đối với học sinh và trường học.
Bên cạnh nguồn kinh phí tối thiểu cần có để hoạt động, các câu lạc bộ cũng cần tính toán đến địa điểm để tổ chức sinh hoạt định kỳ thường xuyên, cũng như cần có một kho lưu trữ và bảo quản các dụng cụ học tập.

4. Thu hút học sinh tham gia

Có nhiều cách để thu hút học sinh tham gia  thường xuyên: Phổ biến trong các lớp học, liên hệ và gắn két với các nội dung bài học tại lớp. Đăng thông báo trên các kênh truyền thông phổ biến, những website, mạng xã hội, tờ rơi, bảng thông báo tại trường, lớp hoặc các điểm sinh hoạt cộng đồng. Lồng ghép với các sự kiện chung của trường hoặc của cộng đồng đang diễn ra. 

Để học sinh tham gia có chất lượng, cần có những bước khảo sát thăm dò và đánh giá hứng thú của học sinh. Khuyến khích các học sinh nữ tham gia, các em có điều kiện khó khăn, các em có những năng khiếu đặc biệt.

5. Tổ chức các hoạt động trong từng buổi sinh hoạt

Trong các buổi sinh hoạt, các chủ đề có thể được xoay vòng, tạo nên sự đa dạng và chuyên sâu. Do các thành viên trong câu lạc bộ có thể khác nhau về trình độ, nên chương trình sinh hoạt của câu lạc bộ cũng cần có tính đa dạng về mức độ kiến thức và kỹ năng khác nhau.
Trong mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên nên được chia nhóm và phân công vai trò cho nhau. Tốt nhất là để các thành viên tự xung phong nhận trách nhiệm của mình. Các vai trò cũng cần được thay đổi luân phiên để các thành viên cũng có những trải nghiệm khác nhau.
Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần theo chur đề, cần có những buổi sinh hoạt mang tính sáng tạo, đòi hỏi thử thách hơn như tổ chức ngoài trời, trong công viên, trong rừng, hoặc tổ chức thành 1 cuộc thi nhằm giao lưu giữa các câu lạc bộ với nhau.

6. Mời phụ huynh tham gia

Nên mời phụ huynh của học sinh tham gia một vài sự kiện của câu lạc bộ. Có nhiều lý do để phụ huynh tham gia với câu lạc bộ:

- Trong số các phụ huynh của học sinh, cũng có những người có kinh nghiệm chuyên môn trong các lĩnh vực. Họ có thể tham gia chia sẻ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các hoạt động của câu lạc bộ.

- Khi được tham gia, phụ huynh sẽ thấy con họ được trải nghiệm những gì, tương tác như thế nào với các bạn cùng trang lứa. Họ sẽ cảm thấy tin tưởng và vui hơn khi nhìn thấy sự phát triển của con mình và điều đó sẽ tạo động lực để họ tiếp tục ủng hộ các hoạt động của câu lạc bộ.

- Việc mời phụ huynh tham gia cũng góp phần hỗ trợ về nguồn nhân sự tình nguyện viên trong công tác tổ chức vào những sự kiện lớn. 

Khi phụ huynh tham gia và gắn kết với câu lạc bộ, đại diện của câu lạc bộ cần có những lời cảm ơn, giấy khen ghi nhận các đóng góp của phụ huynh, tạo sự tin tưởng giữa hai bên để duy trì và phát triển trong các hoạt động tiếp theo của câu lạc bộ.

7. Mời các chuyên gia tham gia.

Trong các nội dung hoạt động, có nhiều chủ đề đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, việc mời các chuyên gia trong các lĩnh vực đến chia sẻ hoặc hướng dẫn thực hành là một yếu tố quan trọng giúp cho các nội dung đảm bảo được chất lượng và có tính chuyên môn cao. Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng đó chính là sự truyền cảm hứng, định hướng nghề nghiệp mà các chuyên gia đem đến cho các bạn nhỏ. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, khi học sinh được làm việc gần gũi với các chuyên gia, tính chuyên nghiệp của các học sinh sẽ được phát triển tốt hơn.

8. Lưu trữ thông tin và xây dựng hình ảnh hoạt động của câu lạc bộ

Các hoạt động của câu lạc bộ cần phải được lưu trữ sắp xếp lại cho nhiều mục đích khác nhau như: báo cáo với đơn vị chủ quản, đơn vị tài trợ, rút kinh nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm, hoặc làm cơ sở để xin thêm các quỹ hoạt động cho năm tiếp theo.

Những kết quả thành công trong các buổi sinh hoạt, sự kiện do câu lạc bộ tổ chức cần được giới thiệu rộng rãi đến với cộng đồng địa phương và xã hội. Các em học sinh có thành tích hoạt động tích cực, có nhiều ý tưởng tốt cần được khen thưởng, khích lệ, động viên. Các giáo viên hướng dẫn có nhiều đóng góp cũng cần được tuyên dương. Những giá trị tinh thần, văn hóa của câu lạc bộ cần được xây dựng và phát triển ngay từ những ngày đầu hoạt động.

III. Những gợi ý dành cho giáo viên chủ nhiệm

Tăng cường sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong các hoạt động sinh hoạt STEM. Lí do là xu hướng hiện nay các lĩnh vực về khoa học – công nghệ đều được giao tiếp với nhau thông qua tiếng Anh. Các tài liệu học tập bằng tiếng Anh cũng phong phú và đa dạng hơn so với các ngôn ngữ khác. Câu lạc bộ được xem là một môi trường học tập ngoại khóa, phi chính quy, nên đây là một cách rất tốt để lồng ghép học các chủ đề khoa học bằng tiếng Anh nếu trong chương trình chính khóa các học sinh không được sử dụng tiếng Anh.

Tạo sự đa dạng về cấc chủ đề và các trình độ khác nhau trong các hoạt động. Chính sự đa dạng về các chủ đề sẽ kích thích sự vận dụng kiến thức của học sinh trong nhiều tình huống được linh hoạt hơn. Ngoài ra, không phải học sinh nào cũng có trình độ như nhau về mặt kiến thức và kỹ năng khi tham gia câu lạc bộ. Do vậy, ngoài việc chia thành nhóm nhỏ có sự đa dạng về trình độ thì việc giao các hoạt động phù hợp với khả năng của các thành viên cũng góp phần duy trì sự hứng thú cho các buổi sinh hoạt.

Trong chương trình hoạt động nên định kỳ có những cuộc thi, những thử thách đòi hỏi các thành viên phải vận dụng nhiều kiến thức và kỹ năng mang tính tổng hợp. Các bài toán hay vấn đề gắn liền với thực tế càng kích thích tính sáng tạo và vận dụng kiến thức của học sinh nhiều hơn.

Luôn ghi nhớ là câu lạc bộ không phải là lớp học ngoài giờ, ở đó học sinh lại tiếp tục nghe giảng dạy hay phải làm bài tập, mà phải thật sự là sân chơi hứng thú cho các học sinh tham gia. Yếu tố vui chơi và học tập trong các câu lạc bộ phải được đan xen vào nhau. Từ cách bố trí không gian sinh hoạt cho đến cách lên chương trình hoạt động đều phải giúp gợi mở sự tự do trong suy nghĩ của học sinh. Khi học sinh cảm thấy được vui chơi, được làm những điều mình thích và đặc biệt luôn cảm thấy được khích lệ. thì lúc đó câu lạc bộ STEM đang đi đúng hướng và hoạt động thành công.

Sách tham khảo để tổ chức 52 hoạt động trong câu lạc bộ STEM: Hôm nay chơi gì với con

TƯ VẤN GIẢI PHÁP GIÁO DỤC STEAM - THIẾT KẾ PHÒNG LAB STEAM
(Cấp Mầm non- Cấp Tiểu học- Cấp THCS- Cấp PTTH)
Tư vấn miễn phí Hotline: 0934519822