Khái niệm giáo dục STEM ra đời tại Mỹ và mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã ít nhiều gây "bão" dư luận trong ngành giáo dục.Trước sự choáng ngợp bởi một "công thức" mới, nhiều người trở nên ngộ nhận về giáo dục STEM. Theo ông Nguyễn Thành Hải - Viện nghiên cứu giáo dục STEM (ĐH Missouri, Mỹ) thì hiện có 6 ngộ nhận về STEM.
Ngộ nhận 1: Giáo dục STEM là học lập trình và lắp ráp robot
Theo ông Nguyễn Thành Hải, có một số công ty ở Việt Nam đưa hoạt động dạy làm robot (robotics) dưới tên gọi giáo dục STEM nên đã gây ra hiểu nhầm trong phần lớn phụ huynh, giáo viên và học sinh. Một số bài báo gần đây lại đẩy dư luận đến một nhầm lẫn khác khi liên hệ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc cho học sinh tiếp xúc và làm quen với lập trình robot từ sớm.
Nhiều nhà giáo dục còn cổ xúy triển khai giáo dục các môn tin học và lập trình từ bậc tiểu học cho đến đại học và xem đó như một cách giáo dục STEM để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là sai lệch nghiêm trọng về khái niệm, đặc điểm và tính chất của giáo dục STEM so với cách hiểu chung của thế giới.
“Giáo dục STEM không chỉ có các hoạt động liên quan lập trình và lắp ráp robot. STEM có nền tảng từ giáo dục khoa học nên các chủ đề của nó rất đa dạng, từ sinh học, hóa học, vật lý học, đến khoa học môi trường, khoa học vũ trụ, v.v... Dạy học về sử dụng năng lượng mặt trời cũng được xem là một hoạt động giáo dục STEM trong đó học sinh được học về vật lý, hóa học và cách tính toán các nguồn năng lượng” – ông Nguyễn Thành Hải nhấn mạnh.
Ngộ nhận 2: Giáo dục STEM làm mất đi nền tảng giáo dục xã hội và nhân văn
Theo ông Hải, Thực tế giáo dục STEM hỗ trợ tốt hơn cho học sinh trong các môn xã hội và nhân văn. Mỹ là nơi khai sinh ra khái niệm về STEM; họ luôn chú trọng giáo dục hài hòa và toàn diện đối với trẻ.
Giáo dục STEM là cách tiếp cận thông qua giáo dục tích hợp và liên ngành, giúp cho học sinh cảm thấy yêu thích và thấy các môn khoa học tự nhiên gần gũi với đời sống xã hội. Từ đó, trẻ hình thành các tư duy suy nghĩ bậc cao (high-order thinking) như tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề... Đó cũng chính là những tư duy cần thiết để học tốt kể cả các môn về giáo dục xã hội và nhân văn.
Giáo viên khuyến khích học sinh đọc sách, tìm hiểu về các vấn đề trong đời sống xã hội, để đưa ra các ý tưởng và sáng kiến về khoa học và công nghệ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong giáo dục STEM, học sinh không chỉ học trong lớp học mà còn có những chuyến đi thực tế. Sau những chuyến đi như vậy, cảm xúc của nhiều học sinh trở nên tốt hơn, có cách diễn đạt giàu hình ảnh và giàu cảm xúc hơn.
"Giáo dục STEM không chỉ có các hoạt động liên quan lập trình và lắp ráp robot. STEM có nền tảng từ giáo dục khoa học nên các chủ đề của nó rất đa dạng, từ sinh học, hóa học, vật lý học, đến khoa học môi trường, khoa học vũ trụ, v.v..."
Câu chuyện điển hình là có một em học sinh ở Texas tham gia chuyến xe buýt giáo dục STEM đi khắp bang để động viên trẻ em ở các vùng khó khăn trở lại trường học nhờ vào gắn kết việc học STEM với cộng đồng. Rõ ràng, STEM giúp học sinh phát triển thêm nhiều kỹ năng xã hội và hiểu biết sâu sắc các bài học nhân văn.
Ngộ nhận 3: Giáo dục STEM đòi hỏi đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất
Do giáo dục STEM chú trọng thực hành và liên hệ thực tiễn, lại bắt nguồn từ Mỹ, nên nhiều người ngộ nhận rằng cần phải mua sắm thiết bị hiện đại và đắt tiền. Trên thực tế, thiết bị, máy móc chỉ là phương tiện để con người tìm đến tri thức nhưng không thể thay thế cách con người tư duy và phát triển lý lẽ.
“Tôi thừa nhận rằng hầu hết các hoạt động giáo dục đều cần mức đầu tư nhất định.Tuy nhiên, nếu không phải là hoạt động có tính đặc thù thì phần lớn đều tận dụng cơ sở vật chất có sẵn ở các trường học, như thực hành trong phòng thí nghiệm chẳng hạn” – ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, các chủ đề của STEM thường rất đa dạng, ít hoặc không tốn chút chi phí nào (ví dụ như đi thăm vườn thú, công viên, bảo tàng, trang trại để rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích và đánh giá). Học về môi trường, học sinh chỉ cần trồng một cây nhỏ ở nhà và quan sát sự phát triển của cây, hoặc tận dụng các vật liệu có sẵn trong gia đình như hộp giấy, vỏ chai.
Ngộ nhận 4: Giáo dục STEM chỉ dạy được học sinh trung học, không dạy được trẻ mẫu giáo, tiểu học.
Chính các cấp học thấp mới là giai đoạn rất dễ dạy về STEM. Ở tuổi mẫu giáo và tiểu học, trẻ học chủ yếu qua hình ảnh, trải nghiệm với các giác quan, nên giáo dục STEM sẽ giúp trẻ học dễ dàng và hứng thú hơn.
Ví dụ như định luật 3 Newton nói về phản lực, ở Việt Nam chúng ta thường để dành cho học sinh cấp II học môn vật lý, nhưng giáo viên Mỹ có thể dạy học sinh tiểu học thông qua trò chơi làm xe bong bóng để hình thành khái niệm phản lực.
Các trò chơi đơn giản, giàu hình ảnh và sinh động là cách tốt nhất để dạy trẻ nhỏ, thay vì yêu cầu chúng nhớ các công thức phức tạp. Khi trẻ tiếp xúc với các hoạt động giáo dục trải nghiệm sớm, các khái niệm và từ vựng sẽ được hình thành sớm, do đó năng lực của trẻ sẽ tốt hơn ở các bậc học sau này.
Ngộ nhận 5: Giáo dục STEM chỉ phù hợp với học sinh nam, không phù hợp với học sinh nữ
Giáo dục STEM phù hợp cả hai giới tính và đang giúp cho học sinh nữ ngày càng yêu thích các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật.Các môn học khoa học giúp nữ sinh rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay trong các hoạt động thí nghiệm và thực hành. Các chủ đề giáo dục đa dạng cũng góp phần cho tiếng nói của giới nữ được quan tâm nhiều hơn.
Khi học về chủ đề về năng lượng, học sinh nữ có thể liên hệ đến các ứng dụng trong nhà bếp hay phòng giặt. Còn khi học về vật liệu thiên nhiên, các em dễ dàng liên hệ đến các sản phẩm mỹ nghệ, trang sức.
Nhu cầu tuyển dụng nữ kỹ sư tăng lên khi các doanh nghiệp muốn có thêm nhiều góc nhìn sáng tạo trong ngành khoa học và công nghệ truyền thống.
Ngộ nhận 6: Các chương trình giáo dục hiện nay sẽ bị xóa sổ vì STEM
Nhiều người lo ngại rằng giáo dục STEM sẽ làm mất đi các thành tựu đạt được của ngành giáo dục hiện nay và buộc giáo viên phải thay đổi hoàn toàn về nội dung và phương pháp dạy.
Trên thực tế, giáo viên dạy các môn khoa học và kỹ thuật ở Việt Nam đã có một nền tảng lý thuyết tốt, nay chỉ cần trang bị thêm kỹ năng và xây dựng bài giảng theo hướng tích hợp và gắn với thực hành nhiều hơn.
Điều này dễ dàng hơn nhiều so với việc xây dựng một bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới và bắt giáo viên phải bám theo. Người dạy có thể chủ động trong việc xây dựng bài giảng trên cơ sở một chương trình khung, có thể tham khảo nhiều nguồn giáo khoa và chọn lọc tài liệu giảng dạy tùy vào đặc điểm của lớp học và sự quan tâm của học sinh.
Do đó, STEM giúp giáo viên chủ động hơn trong việc dạy học sáng tạo và truyền cảm hứng, một cơ hội giúp giáo dục Việt Nam theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.